Giảm xóc Fox trên Ranger Raptor có gì đặc biệt?
Hệ thống treo Fox đắt gấp 6-7 lần giảm xóc thường bởi khả năng giảm chấn hành trình dài, phù hợp nhiều kiểu vận hành.
Ranger Raptor là mẫu bán tải cỡ nhỏ đầu tiên tại Việt Nam sử dụng hệ thống giảm xóc dạng treo thủy lực với công nghệ giảm chấn của Fox. Trước đó, cầu sau của xe bán tải đều dùng loại lá nhíp, tương tự xe tải, với ưu điểm là sức chịu tải lớn. Một bộ 4 giảm xóc Fox có giá tới gần 120 triệu, trong khi giảm xóc thường chưa tới 20 triệu. Vậy giảm xóc của Fox có gì khác biệt với xe thông thường?
Fox là một hãng chuyên sản xuất phuộc dành cho xe off-road, thành lập vào năm 1977 tại California, Mỹ. Ngày nay, Fox đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp phụ trợ liên quan đến đua xe off-road. Các kỹ sư phát triển Raptor muốn chiếc bán tải vừa có khả năng off-road chuyên nghiệp, lại vừa có thể vận hành thể thao, vì vậy hãng hợp tác với Fox để cho ra đời bộ giảm xóc riêng.
Giảm xóc Fox Racing trên bánh trước xe Ranger Raptor.
Piston sẽ giúp linh hoạt thay đổi độ cứng mềm và cao của từng bánh xe. Chính vì thế, Ranger Raptor có chu trình dao động của phuộc theo chiều dọc lớn hơn 30% so với Ranger tiêu chuẩn, trước 236 mm và sau 290 mm. Cũng nhờ có thể thay đổi độ cao thân xe, Ranger Raptor có góc tới 32,5 độ, góc thoát 24 độ và góc vượt đỉnh dốc cũng 24 độ. Bộ phận đóng vai trò chính của hệ thống phuộc Fox Racing Shocks trên Ranger Raptor là piston chứa dầu, đường kính 46,6 mm, hoạt động dựa trên nguyên lý về thủy lực. Bí mật ở đây là việc hãng biết cách làm thế nào để kiểm soát dòng chảy và nhiệt độ của khối chất lỏng bên trong.
Khi so sánh với đàn anh F150 Raptor, chu trình dao động của phuộc chỉ ngắn hơn khoảng 50,8 mm. Những chiếc bán tải chạy địa hình Baja có biên độ 762-1.016 mm.
Hệ thống treo trước Ranger Raptor hoạt động.
Trên Ranger Raptor, Ford trang bị Fox cho cả bốn bánh xe. Ở bánh trước, hệ thống treo sử dụng cánh tay điều hướng bằng nhôm ở trên và dưới, để kiểm soát dao động của xe. Bộ phuộc Fox nằm bên trong lò xo, kiểu bố trí tương tự với hệ thống treo Mac Pherson. Phía bánh sau cũng tương tự. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây, hệ thống treo sau của xe sử dụng kết nối Watt, tối ưu dao dộng của hai bánh sau theo phương thẳng đứng.
Treo Fox trên Ranger Raptor có thiết kế hoàn toàn khác so với các mẫu bán tải cỡ nhỏ hiện hành. Nếu quan sát kỹ, ở mỗi bánh xe, phần dưới của lò xo và bình dầu sẽ choãi hướng ra ngoài. Những người quan tâm đến off-road sẽ nhận ra kiểu thiết kế này thường xuất hiện những chiếc xe kiểu như Mercedes G-Class.
Chưa dừng lại ở đó, Fox Racing Shocks còn kết hợp với công nghệ Position Sensitive Damping. Nhờ đó, hệ thống điện tử sẽ tính toán để khả năng triệt tiêu dao động được phát huy tối đa. Khi đi đường bằng hoặc ở tốc độ thấp, hệ thống treo sẽ giúp người ngồi trong xe cảm nhận sự êm ái, vốn chẳng bao giờ hiện diện trên một chiếc bán tải. Khi đi đường ghồ ghề, chu trình dao động của piston sẽ dài hơn, giúp chiếc xe không bị quá xóc, gây ra cảm giác khó chịu cho người ngồi bên trong.
Một cụm giảm chấn Fox.
Có rất nhiều lợi ích nhưng so với phuộc lá nhíp, nhược điểm của Fox là giảm khả năng chuyên chở. Nếu Ranger sử dụng lá nhíp chở được gần 1 tấn thì Raptor chỉ khoảng 750 kg, vượt quá con số này sẽ gây ra hiện tượng kịch xóc, vì quá giới hạn di chuyển của piston. Đồng thời, việc bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế khi hỏng hóc cũng khó khăn và tốn kém hơn. Hành trình trải nghiệm cung đường Hà Nội - Hạ Long do Ford Việt Nam tổ chức vừa qua, những chiếc Ford Ranger Raptor tỏ ra vượt trội. Trong một chuyến đi có sự hiện diện của cả Ranger Wildtrak, người tham gia có cơ hội được cảm nhận sự khác biệt giữa hai mẫu xe. Ranger Raptor rõ ràng mang lại cảm giác thú vị hơn. Êm ái khi đi trên cao tốc nhưng cũng nuốt trọn những địa hình phức tạp nhất.